Tình trạng trẻ dị ứng đạm sữa bò ở Việt Nam khá phổ biến. Phản ứng với đạm sữa bò còn có thể xuất hiện muộn với các triệu chứng lâm sàng không điển hình nên dễ bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với các bệnh khác (như bất dung nạp đường Lactose).
1. Dị ứng đạm sữa bò là gì?
Dị ứng đạm sữa bò là phản ứng miễn dịch của cơ thể trẻ với thành phần đạm trong sữa bò và những sản phẩm có nguồn gốc từ sữa bò. Dị ứng đạm sữa bò có tỷ lệ mắc phải cao nhất trong các loại dị ứng thức ăn mà trẻ nhỏ hay gặp phải, chúng xuất hiện ở khoảng 2 – 7,5% trẻ trong độ tuổi này. Dị ứng đạm sữa bò thường xảy ra từ vài phút đến vài giờ sau khi trẻ sử dụng sữa hoặc các chế phẩm từ sữa và tình trạng này hầu hết sẽ chấm dứt trước khi trẻ lên 3 tuổi.
2. Nguyên nhân trẻ dị ứng đạm sữa bò
Như đã nói ở trên, tình trạng dị ứng đạm sữa bò xảy ra khi hệ thống miễn dịch trong cơ thể trẻ cho rằng các thành phần protein trong sữa bò là có hại cho cơ thể, khiến cơ thể tự động sản xuất ra các kháng thể miễn dịch IgE làm trung hòa các protein (chất gây dị ứng) này. Có 2 loại protein chính trong sữa có thể gây ra phản ứng dị ứng:
- Casein: có trong phần rắn của sữa đông vón lại
- Whey: có trong phần lỏng còn lại của sữa sau khi sữa đông vón lại
Ở những lần tiếp xúc với đạm sữa bò tiếp theo, kháng thể IgE trong cơ thể trẻ nhận ra chúng và báo cho hệ thống miễn dịch giải phóng histamin và các hóa chất trung gian gây dị ứng khác, dẫn tới một loạt các dấu hiệu và triệu chứng dị ứng ở trẻ như chảy nước mũi, ngứa mắt, khô họng, nổi mề đay phát ban, khó thở, buồn nôn, tiêu chảy, thậm chí sốc phản vệ…
3. Cách nhận biết trẻ dị ứng đạm sữa bò
Để nhận biết chính xác dị ứng đạm sữa bò khá khó khăn vì các triệu chứng lâm sàng rất đa dạng. Các triệu chứng có thể xuất hiện ngay sau khi trẻ uống sữa (trong vòng 2 giờ) gọi là phản ứng dị ứng nhanh, hoặc muộn hơn (trên 48 giờ) được gọi là phản ứng dị ứng chậm. Nói chung trẻ dị ứng đạm sữa bò có thể sẽ có một số biểu hiện trong những tuần đầu tiên ngay khi tiếp xúc với đạm sữa bò như:
- Viêm da cơ địa
- Sưng môi và mi mắt (phù mạch)
- Nổi mề đay, phát ban (không liên quan đến việc nhiễm trùng cấp, thuốc hay nguyên nhân nào khác)
- Sổ mũi, khò khè, ho kéo dài (không liên quan đến tình trạng nhiễm trùng)
- Thường xuyên trào ngược và nôn ói
- Tiêu chảy/bón, căng cứng vùng bụng. Có thể đi tiêu phân lỏng, máu trong phân
- Cơ thể thiếu máu thiếu sắt
- Mệt mỏi kéo dài hay đau quặn (>3 giờ mỗi ngày/ kích thích) ít nhất 3 ngày trong 1 tuần kéo dài trên 3 tuần