Trẻ nhỏ thường chưa nhận biết được những hành động, việc làm của mình là tốt hay xấu. Thế nên, có những thói quen trở thành “tri kỷ” và đằng sau đó lại ẩn chứa những điều không hề tốt, thậm chí nguy hiểm cho trẻ. Do vậy, khi thấy bé có những biểu hiện sau, bạn cần phải can thiệp ngay.
Lên 3 là tuổi bắt đầu đi nhà trẻ, bé phải làm quen với môi trường mới và phải từ bỏ những thói quen cũ, đặc biệt là thói quen ngậm ti giả và bú bình. Đây là độ tuổi trẻ cần có chế độ ăn cơm, cháo hợp lý. Nếu để tình trạng bú bình và ngậm ti giả kéo dài, bé sẽ khó cai hơn khi đi nhà trẻ. Hơn nữa, đây là thói quen không tốt cho răng miệng của trẻ. Hậu quả là hàm trên có thể phát triển nhô ra phía trước, hàm dưới thụt vào (nôm na gọi là “vẩu”). Không những thế, trẻ còn có thể bị hẹp hàm, hàm không phát triển ra hai bên được, ảnh hưởng tới chức năng nhai của răng, thậm chí, làm biến dạng cung hàm.
2. Thường xuyên mút và cắn môi
Đây là thói quen thường gặp ở nhiều trẻ. Việc hay mút và cắn môi sẽ gây nên hiện tượng khô môi, nứt môi và mất vệ sinh ở miệng. Thói quen này không thay đổi sẽ tạo ra những tổn thương hình bán nguyệt ở môi dưới, có thể khiến hàm dưới đưa ra, nếu trẻ cắn, mút môi trên và ngược lại, mút môi dưới sẽ làm hàm trên phát triển quá mạnh. Trẻ mút và cắn môi nhiều cũng làm răng cửa hàm trên ngả môi, răng cửa hàm dưới ngả lưỡi hoặc răng mọc chen chúc, làm xương hàm kém phát triển và dẫn tới khuôn mặt bé bị lõm vào. Để khắc phục tình trạng này, cha mẹ cần nghiêm khắc khi bé có hành động như vậy. Đồng, nên có sự phối kết hợp giữa nha khoa và gia đình.
3. Mút tay, cắn móng tay
Nhiều bà mẹ không biết đây cũng là những thói quen thường thấy ở trẻ. Chính nó là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc đưa vi trùng, vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Nếu khả năng miễn dịch của bé không tốt, rất có thể dẫn đến những bệnh truyền nhiễm. Bé liên tục mút tay và kéo dài, sẽ làm bẹp đầu ngón tay, dẫn tới sự phát triển không bình thường ở các xương ngón tay. Hơn nữa, mút tay cũng ảnh hưởng không tốt tới việc mọc răng, gây rối loạn và làm răng mọc không đúng hàng. Khắc phục tình trạng này, cha mẹ cần kiên nhẫn vìtrẻ khó bỏ thói quen xấu này ngay lập tức. Khi thấy con mút tay, nên nhẹ nhàng kéo tay ra khỏi miệng, hướng vào những trò chơi ưa thích để trẻ quên đi thói quen không tốt này.
4. Ngoáy mũi
Một số trẻ lại có tật ngoáy mũi – một thói quen rất mất vệ sinh bởi nó có thể lây lan các loại vi khuẩn có hại, dễ bị dị ứng hoặc nhiễm trùng. Nước và dỉ mũi ra nhiều, càng kích thích bé ngoáy mũi và vi khuẩn lại càng dễ xâm nhập vào cơ thể hơn. Để giúp bé “cai”, cần giải thích cho trẻ thấy ngoáy mũi là thói quen xấu nên từ bỏ và đừng quên khuyến khích, động viên có phần thưởng cho bé nếu cả ngày không có hành động ngoáy mũi. Bên cạnh, cha mẹ cần giữ vệ sinh sạch sẽ cho trẻ để không có hiện tượng khô và ngứa mũi. Tốt nhất, nên dùng dung dịch nước muối sinh lý để vệ sinh mũi cho trẻ hàng ngày.
5. Sờ “chỗ kín”
Hiện tượng này hay gặp ở các bé từ 2 đến 4 tuổi, nhất là ở các bé trai. Các cậu bé thích sờ “chim” mình và nghịch nó như nghịch một thứ đồ chơi lý thú. Đây chỉ là biểu hiện của sự nhận thức và khám phá cơ thể mình. Tuy nhiên, dù là bé trai hay gái thì việc này nếu diễn ra thường xuyên, dễ dẫn tới những hậu quả xấu, những lệch lạc về giới tính của trẻ về sau.
Các bé trai khi lớn lên, sẽ có thể mắc chứng thủ dâm và xuất tinh sớm. Khi phát hiện, cha mẹ cần tìm hiểu xem trẻ sờ do tò mò hay ngứa bộ phận sinh dục. Nếu trẻ bị ngứa, cần vệ sinh bộ phận sinh dục sạch sẽ, tránh để bé ngứa ngáy khó chịu, hay gãi và lâu dần, tạo cảm giác thích thú khó thay đổi. Bạn cũng nên giải thích và hướng bé đến với những trò chơi thú vị mới để quên đi thói quen không tốt này. Người lớn cũng cần tránh âu yếm, hôn, sờ vào bộ phận sinh dục của trẻ hoặc để trẻ nhìn thấy cảnh âu yếm của mình. Trẻ bắt chước rất nhanh nên sẽ tò mò và muốn khám phá hơn.
6. Văng tục, chửi bậy
Khi giận giữ, cáu gắt hoặc không ưng ý điều gì đó, bé thường tuôn ra những câu tục tĩu. Người lớn không nên xem đây là chuyện đáng cười, ngạc nhiên, hay im lặng vì vô hình chung làm trẻ hiểu sai rằng, họ đang đồng tình và cổ vũ cho mình nói thế. Lâu dần, những từ ngữ thô lỗ sẽ trở nên quen thuộc nơi cửa miệng của trẻ. Vì vậy ngay từ đầu, bạn cần can thiệp kịp thời và cần kiên nhẫn.
Con nói tục và bạn áp dụng luôn kỷ luật, trẻ sẽ cẩn trọng hơn. Khi trẻ nói tục một cách vô ý thức, đừng xử phạt mà hãy dừng câu chuyện lại, nhắc nhở trẻ rằng, vừa mới vô ý nói một từ không hay. Những lần sau, nếu trẻ tiếp tục tái diễn, bạn cần nghiêm khắc đưa ra hình phạt, chẳng hạn như cấm không cho xem chương trình tivi mà trẻ thích chẳng hạn… Bên cạnh, chính người lớn phải luôn là gương tốt cho con trẻ. Nếu sống trong gia đình không phải nghe những lời lẽ “không hay” của người lớn, trẻ sẽ không có cơ hội học hỏi và bắt chước thói quen xấu đó.
7. Nói trống không
“Ăn cơm”, “đang xem phim”, “đi học”, “ai đó”… là những câu nói trống không chúng ta thường nghe thấy ở trẻ. Có thể, đang trong giai đoạn hoàn thiện ngôn ngữ nên việc trẻ nói trống không cũng là điều dễ hiểu. Nhưng không vì thế mà bạn xem thường, bỏ qua điều này vì khi lớn lên, nó sẽ trở thành một thói quen khó sửa. Ngay từ lúc trẻ bắt đầu học nói, cha mẹ và những người thân cần uốn nắn lời ăn tiếng nói của trẻ sao cho đúng, cho hay.
Có nhiều cách khác nhau để sửa sai thói quen này cho trẻ và đây là một ví dụ: Lúc trẻ nói trống không, bạn hãy lờ đi và có thể để trẻ lặp lại đôi ba lần. Sau đó, bạn sẽ nói cả câu đầy đủ chủ vị và yêu cầu trẻ nhắc lại và chỉ thực hiện khoảng 3 – 4 lần. Các lần tiếp theo, nếu nói 1 – 2 câu trống không và thấy phản ứng lờ đi của bạn, trẻ sẽ tự sửa lại. Cũng có lúc trẻ quên, gây chú ý bằng sự nhắc đi nhắc lại không được. Khi đó, bạn mới nhẹ nhàng giải thích, chẳng hạn: “Con phải nói rõ là con cần ai bật ti vi cho con chứ? Mẹ không thấy con nói là con nhờ nên mẹ không thể giúp được, đúng không nào?”. Như vậy, bạn sẽ thấy hiệu quả tiến bộ rõ rệt từ trẻ.